Khi bão, lụt, nước có thể ngập tràn, cuốn trôi theo mọi thứ gây ô nhiễm có trên mặt đất như: chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, xác súc vật, chuồng gia súc, gia cầm, hóa chất, cây cối… làm nước và môi trường bị ô nhiễm.

Vì vậy ngay khi nước rút, cần thực hiện các biện pháp xử lý nước và môi trường để tránh ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thực hiện nguyên tắc “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”.

1. Đối với giếng khơi: tiến hành theo 3 bước

Bước 1: Thau rửa giếng:

– Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng.

– Trước khi làm trong và khử trùng nước, phải thau vét giếng, lấy hết bùn, rửa thành giếng.

Bước 2: Biện pháp làm trong nước:

– Dùng phèn chua liều lượng 50gam/1m3 nước, nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa 100gam/1m3.

– Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu.

– Cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần và đợi 30 phút sau mới thực hiện bước khử trùng nước.

Cách vệ sinh, làm sạch các giếng nước sau bão, lụt - Ảnh 1.

Bước 3: Khử trùng nước giếng:

 – Ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu m3 (1 bi tương đương 1m3) cứ 1m3 hoà tan 10 – 20gam Chloramine B tương đương 1 đến 2 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước).

– Múc một gàu nước.

– Hoà lượng hoá chất nói trên vào nước, phải khuấy đều cho tan hết hoá chất.

– Thả mạnh gàu xuống giếng, kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần. Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Clo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Chloramine B quấy đều rồi cho vào giếng đến khi nào nước có mùi Chlo mới đảm bảo.

– Dùng nước giếng này tưới lên thành giếng để khử trùng. Sau 30 phút mới sử dụng nước (để phải đảm bảo lượng Clo dư (0,3 – 0,5mg/lít)).

Nếu lỡ cho quá nhiều choloramine B thì đợi đến khi nào bay hết mùi clo mới sử dụng.

Lưu ý:

– Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn.

– Sau khi khử trùng nếu ngửi có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

– Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

2. Đối với giếng khoan

– Tháo dây cao su và ni lông bịt miệng giếng khoan.

– Cọ rửa vòi, cần và nền giếng khoan.

– Khơi thông cống rãnh quanh giếng.

– Bơm hết nước đục, sau đó bơm liên tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó mới sử dụng.

Chủ đề:
Thẻ:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tắt [X]