Site icon OK9

Chữ và nghĩa – Xưng hô xã giao: Không có “tam đoạn luận”

Chữ và nghĩa - Xưng hô xã giao: Không có "tam đoạn luận" - Ảnh 1.

“Xin lỗi, đấy có phải là số máy của chú X. không ạ? Chào chú! Cháu đang gọi cho chú từ trường quay Ai là triệu phú của VTV3. Người chơi hiện nay là bạn Y. – cháu của chú. Bạn Y. đang gặp một câu hỏi cần người trợ giúp. Chú sẵn sàng trợ giúp chứ ạ?”.

Đó là lời một MC “gạo cội” của VTV3. Ngồi trước mặt anh là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp và rất dịu dàng “gọi anh xưng em”. Chính vì vậy mà MC của chương trình đã không ngần ngại xưng “cháu” với người chú của cô gái, trong khi anh không biết rằng, rất có thể, anh chỉ ngang bằng, thậm chí hơn tuổi người chú này. Thực tế, MC không có lý do gì (cũng chả ai bắt buộc anh) phải đặt mình cùng vai cô gái trong quan hệ với ông chú đang ngồi ở tít nơi xa kia. Anh đang là người của “nhà đài” chứ anh em họ hàng gì với cô gái?

Xưng hô trong các tình huống đối thoại trên truyền thông (trong các buổi phỏng vấn, giao lưu) cũng như mọi cuộc hội thoại khác (trong công sở, các diễn đàn hội họp, ngoài đường phố…) thuộc phạm vi giao tiếp xã giao. Nó không bị lệ thuộc vào nghi thức xưng hô gia tộc mà thuộc nghi thức xưng hô xã giao.

Xưng hô xã giao là xưng hô ngoài xã hội, trong bối cảnh người đối thoại thuộc nhiều tầng lớp, khác nhau về giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị. Ở đó, người nói và người nghe không bị ràng buộc bởi những tôn ti, trật tự trong gia tộc. Đã có nhiều ý kiến (của các nhà ngôn ngữ) đề nghị nhất loạt dùng “tôi” và gọi người đối thoại là “ông/bà” cho đúng với môi trường đòi hỏi sự trung tính, bình đẳng. Tuy nhiên, với người Việt Nam, không phải mọi chuyện xưng hô giữa “chín người mười làng” là đơn giản, dễ dàng, rập khuôn, cứng nhắc. Bởi, cách xưng hô gia tộc cả ngàn năm nay đã ăn sâu vào tiềm thức, thói quen, phong tục… nên vẫn ảnh hưởng và chi phối, thậm chí lấn át cách xưng hô xã giao.

Cũng bởi, người phương Đông, trong đó có người Việt Nam, vốn trọng tình, trọng tuổi tác, địa vị, vì vậy mà “không nỡ” dùng một cách xưng hô “căn ke” ngôn ngữ phương Tây, trung hòa hóa, bằng cách chuyển cặp “I – You” (ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba số ít) thành “tôi – ông/bà” khi giao tiếp với đối tác, bất luận là họ già hoặc trẻ, là “sếp to” hoặc “sếp nhỏ”, là bạn bè hoặc đồng nghiệp. Một cô gái trẻ mới ra trường, khi đi xin việc, mà cứ “xưng tôi gọi ông” với vị giám đốc có tuổi, đầu bạc, đạo mạo thì dẫn dễ bị coi là ăn nói kém, chưa từng trải, kém lịch duyệt (có khi bị coi là bất kính). Chính điều này sẽ làm cô mất điểm dưới mắt nhà tuyển dụng. Biết xưng hô sao cho phải được coi là một vấn đề thuộc phạm trù văn hóa giao tiếp.

Đặc biệt, cách xưng hô dùng hệ thống đại từ thân tộc dẫn đến hệ lụy theo hướng “tam đoạn luận”. Khi anh A nào đó gọi đồng nghiệp của mình là “anh/chị” mà các anh/chị này đang có người khác gọi là “bác/chú/cô” thì anh A cũng sẽ “ăn theo” gọi những người kia là cháu. Đến lượt mình, các “cháu” của bạn anh A cũng phải gọi các đồng nghiệp ngang hàng anh là”bác/chú/cô”. Nếu cứ “từ A suy ra B, từ B suy ra C” thì chúng ta sẽ vướng vào vòng quay tam đoạn luận. Tam đoạn luận là một cách suy luận theo lối diễn dịch, đi từ 2 mệnh đề cho trước để tiến đến một kết luận tất yếu đã ngầm chứa trong 2 mệnh đề đó. Thật là rắc rối (thậm chí hỗn loạn) các đại từ xưng hô khi trong cơ quan tồn tại tới 2 hoặc 3 “thê đội” tuổi tác (Ví dụ: A và B ngang hàng. C gọi A là chú, xưng cháu => C gọi B là chú, xưng cháu và B gọi C là cháu, xưng chú).

Hiện nay, đa số ở các cơ quan, công sở vẫn tồn tại cách xưng hô xã giao trước hết dựa theo tuổi tác (lấy tuổi quy ra thứ bậc). Thật khó mà bắt người nói vượt qua ranh giới này, nhất là khi sự chênh lệch tuổi tác 2 bên lại quá cao. Nhưng việc “bình đẳng hóa” cách xưng hô đang là xu hướng thắng thế. Các cặp xưng gọi “tôi/em – anh/chị” hoặc “tôi – ông/bà” đang trở nên phổ biến. Ứng xử như thế là cho việc xưng hô trở nên đơn giản và không bị ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Nhiều khi lệ thuộc xưng hô làm cho giao tiếp mất tự tin. Chẳng hạn, việc “cháu” nào đó không chịu “vâng dạ” mà cứ khăng khăng tranh luận, cãi lý với các “chú, bác” hàng trên là khó chấp nhận. Chúng ta kêu gọi sự dân chủ, bình đẳng xã hội nhưng “câu chuyện xưng hô” kia không giải quyết thỏa đáng, tự nhiên trở thành “rào cản khó vượt”.

Xưng hô xã giao tôn trọng mối quan hệ thực tế. Hai người giao tiếp với nhau chọn một cách xưng hô thích hợp mà không lệ thuộc mối quan hệ “ngoài lề” của họ. Chuyện hai mẹ con nào đó cùng “gọi anh xưng em” với một anh cùng cơ quan vẫn thường xảy ra. Hai “cặp giao tiếp” này khác nhau mà.

Xưng hô cũng phải đổi thay

Cũng vì công việc hôm nay đang cần.

Exit mobile version